Cách cài đặt bộ R-KEY-LT-P

Cách cài đặt R-KEY-LT-P

Trong bài viết hôm nay, mình sẽ hướng dẫn bạn cách cài đặt bộ R-KEY-LT-P. Đây là một bộ gateway để chuyển đổi từ giao thức Profinet sang ModBUS đang được sử dụng khá nhiều hiện nay.

Một số thông tin khác về bộ này, bạn có thể tham khảo tại địa chỉ:

Bộ chuyển đổi ModBUS sang Profinet

Truyền thông Profinet là gì? Ứng dụng Profinet trong công nghiệp

Đầu tiên, ta sẽ cùng tìm hiểu về cách đấu dây cũng như các loại đèn báo trên thiết bị:

Ý nghĩa đèn báo trên bộ R-KEY-LT-P:

Trên thân của bộ R-KEY-LT, ta sẽ thấy có cách đèn led thể hiện những thông số như:

-Đèn ở vị trí PWR:

  • Nếu đèn sáng liên tục nghĩa là thiết bị được cấp nguồn và đã được gán địa chỉ IP
  • Nếu đèn chớp tắt nghĩa là thiết bị chưa được gán địa chỉ IP.

-Đèn ở vị trí TX: đèn này sẽ thường nhấp nháy, có nghĩa là dữ liệu đang được trao đổi trên cổng RS232/RS485

-Còn với đèn RX nhấp nháy, thể hiện dữ được đang được nhận về trên cổng RS232/RS485

-ETH ACT (màu vàng): đèn này sẽ thường nhấp nháy, thể hiện các gói dữ liệu đang dược trao đổi trên cổng Ethernet.

-ETH LINK (màu xanh lá): đèn nhấp nháy, thể hiện cổng ethernet đã được kết nối.

-Đèn ở vị trí COM:

  • Nếu đèn nhấp nháy, nghĩa là truyền thông Profinet đang được mở.
  • Nếu đèn không sáng thì có nghĩa là truyền thông Profinet đã bị tắt.

-Đèn ở vị trí COM và PWR: khi đèn này nhấp nhảy nghĩa là chế độ cài đặt bằng webserver đang được active hoặc truyền thông Profinet đang bị tắt.

Cách đấu dây:

Để tham khảo về cách đấu dây, mình có sơ đồ như sau:

Sơ đồ đấu dây bộ R-KEY-LT-P
Sơ đồ đấu dây bộ R-KEY-LT-P

Sơ đồ này, mình chỉ giới thiệu sơ qua, bạn không cần phải nhớ, bởi vì nó được in trực tiếp trên thiết bị. Khi bạn cầm thiết bị trên tay, sẽ thấy được.

Cách đấu dây bộ này cũng rất đơn giản:

Ta sẽ cấp nguồn 24V vào chân 8&9.

Nếu ta kế nối bằng giao thức RS485 thì đấu dây vào chân số 1 & 1 & 3.

Còn nếu ta kết nối bằng giao thức RS232 thì đấu dây vào chân số 3,4,5,6,7

Về cổng Profinet, ta sẽ cắm trực tiếp vào cổng ethernet trên thiết bị. Cổng này khi nhìn vào, ta sẽ dễ thấy vì nó giống y chang cổng ethernet mạng internet trong gia đình mình sử dụng.

Cách gạt switch trên thiết bị:

Các switch trên thiết bị sẽ giúp ta reset lại IP cho thiết bị hoặc là gán địa chỉ IP cho thiết bị.

Vì vậy nên trước khi sử dụng, ta nên tìm hiểu sơ qua về cách gạt những switch này.

Bộ R-KEY-LT-P sẽ có 2 switch chính nằm phía bên hông thiết bị.

Những thông số mà ta cần quan tâm đến như sau:

Đối với SW1:

cách gạt SW1 R-KEY-LT-P
cách gạt SW1 của thiết bị
  • Nếu ta muốn xác định sử dụng RS485, ta sẽ gạt đồng thời DIP 1 và DIP 2 lên.
  • Nếu không dùng RS485, thì gạt DIP 1 và DIP 2 xuống.

Đối với SW2:

cách gạt switch R-KEY-LT-P
Cách gạt SW2 của thiết bị

Switch này sẽ đảm bảo việc cấp phát địa chỉ IP cho thiết bị, nên sẽ có các trường hợp như hình sau:

  • Để load những cài đặt từ bộ nhớ trong (cài đặt bằng phần mềm), ta sẽ gạt DIP 1 và DIP 2 xuống.
  • Để reset lại cài đặt của thiết bị, ta gạt DIP 1 và DIP 2 lên.
  • Còn để bắt buộc thiết bị nhận địa chỉ IP như khi xuất xưởng (192.168.90.101), ta gạt DIP 1 xuống và gạt DIP 2 lên.

Lưu ý quan trọng: bởi vì những mà ta cài thông qua DIP-switch chỉ được đọc khi thiết bị khởi động. Nên sau khi gạt switch xong, nên phải restart lại thiết bị. Cách restart thì ta chỉ cần bấm vào nút REBOOT/MODE trên thiết bị là được.

Cách chuyển đổi cài đặt Profinet <-> webserver:

Thiết bị R-KEY-LT-P sẽ có 2 chế độ cài đặt mặc định: chế độ Profinet và chế độ Webserver.

Mặc định của thiết bị là cài đặt bằng chế độ Profinet. Trong chế độ này, ta chỉ có thể cài đặt thông số bằng phần mềm EASY SETUP 2 thông qua máy tính.

Để cài đặt bằng webserver, ta phải đưa thiết bị về chế độ Webserver. 

Có 2 cách để đưa thiết bị về chế độ webserver:

  • Cách 1: dùng phần mềm Seneca Device Discovery hoặc phần mềm Easy Setup 2.
  • Cách 2:

-Nhấn và giữ nút REBOOT/MODE đến khi đèn nhấy nháy. Sau đó bỏ tay ra.

-Thiết bị sẽ được restart lại và đèn PWR và COM sẽ nhấp nháy chậm chậm để báo hiệu đang hoạt động ở chế độ Webserver.

Để đưa thiết bị từ Webserver về Profinet ta cũng làm tương tự:

-Nhấn và giữ nút REBOOT/MODE đến khi đèn nhấp nháy. Sau đó bỏ tay ra.

-Thiết bị sẽ được restart lại và đèn PWR và COM sẽ nhấp nháy chậm chậm để báo hiệu đang hoạt động ở chế độ Profinet.

Bộ R-KEY-LT-P
Bộ R-KEY-LT-P

Cách cài đặt R-KEY-LT-P bằng Webserver:

Đầu tiên, ta cần phải biết, địa chỉ IP mặc định của thiết bị khi xuất xưởng sẽ là 192.168.90.101.

Khi về Việt Nam, để sử dụng được với mạng internet, ta phải đổi địa chỉ IP của thiết bị lại.

Để đổi IP thiết bị, ta sẽ cắm dây ethernet vào modem mạng đang sử dụng.

Sau đó, ta tải phần mềm Seneca Device Discovery. Đây là phần mềm miễn phí, ta có thể tải tại trang web của hãng Seneca.

Scan thiết bị bằng phần mềm Seneca Discovery Device:

Sau khi cài đặt phần mềm, ta sẽ có giao diện như sau:

phần mềm Seneca Discovery Devices
Giao diện phần mềm Seneca Discovery Devices

Trên giao diện, ta có thể thấy địa chỉ IP của thiết bị là 192.168.1.111. Đây là địa chỉ IP mình đã thay đổi để phù hợp với lớp mạng đang dùng.

Để tìm thiết bị, ta bấm nút “Scan” và chờ đợi. Khi phần mềm đã hiện được thông tin như trên là ok.

Sau khi đã Scan, ta sẽ có các lựa chọn cho thiết bị như:

Update firmware: cập nhật firmware cho thiết bị. Firmware thì ta có thể tải trên web của hãng.

Assign IP: thay đổi địa chỉ IP. Ở đây mình sẽ thay đổi địa chỉ IP theo đúng địa chỉ mà mình đang dùng.

Switch to Profinet: chuyển đổi giữa Profinet và Webserver. Ở đây mình đang để chế độ Webserver nên sẽ có nút “Switch to Profinet”. Khi ở chế độ Profinet thì sẽ có nút “switch to Webserver”

Open Webserver: mở giao diện cài đặt bằng webserver.

 Cài đặt sử dụng Webserver:

Để vào giao diện, ta nhấp vào nút “Open Webserver” như ở bước trên.

Tiếp theo, giao diện đăng nhập sẽ xuất hiện:

Giao diện đăng nhập
Giao diện đăng nhập

Theo mặc định, tên người dùng và mật khẩu sẽ là:

  • Tên người dùng: admin
  • Mật khẩu: admin

Sau khi đăng nhập vào, ta có thể tự đổi mật khẩu theo ý mình. Ở đây mình khuyến khích nên đổi mật khẩu để đảm bảo tính bảo mật cho thiết bị.

Nếu bạn đã làm đúng các thao tác, thì sau khi đăng nhập sẽ thấy được giao diện này:

Giao diện cài đặt R-KEY-LT-P
Giao diện cài đặt R-KEY-LT-P

Một vài những thông số mà ta sẽ cần quan tâm như sau:

  • Static IP: địa chỉ IP của thiết bị.
  • Static IP mask: địa chỉ subnet mask của thiết bị. Thường ở đây ta sẽ để giá trị mặc định 255.255.255.0
  • Static Gateway: đây là địa chỉ gateway cho thiết bị. Mặc định ở đây mình sẽ chọn là 192.168.1.1 (địa chỉ modem mình đang dùng)
  • Webserver Authentication username: đổi tên người dùng khi đăng nhập vào thiết bị.
  • Webserver Authentication user password: đổi mật khẩu đăng nhập vào thiết bị.
  • IP change from discovery: bật/tắt tính năng cho phép thay đổi địa chỉ IP ở giao diện phần mềm Seneca Discovery Device
  • Còn các thông số khác như baudrade, timeout, data bits, ICP/IP port, ta cần thay đổi ra sao thì có thể chọn lại theo yêu cầu.

Sau khi đã cài đặt, ta bấm vào nút “Apply” để thiết bị nhận cấu hình mới.

Lời kết:

Bởi vì bộ R-KEY-LT-P này chỉ là đóng vai trò là 1 gateway nên việc cài đặt cũng khá là đơn giản.

Quan trọng là phần lập trình cũng như cách lấy dữ liệu của bạn bên dưới. Nếu lập trình tốt thì thiết bị sẽ hoạt động cực kỳ ổn định.

Trên đây là mình đã hướng dẫn cách đấu dây và cài đặt bộ R-KEY-LT-P. Hy vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích.

Cần thêm thông tin gì, hãy liên hệ với mình theo thông tin bên dưới.

Xin cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *